Thánh An-nê Trinh Nữ Tử Đạo
(Ngày
21-1)
Thánh
An-nê Trinh Nữ Tử Đạo, hay cũng còn được gọi là Thánh An-nê thành Rô-ma, sinh
vào khoảng năm 237 trong một gia đình quý tộc Rô-ma. Vì là người Ý, nên Thánh Nữ
có tên theo tiếng Ý là Sant`Agnese di
Roma, và có tên theo tiếng La-tinh là Romae
Sanctae Agnetis. Khi người con trai của của viên thị trưởng thành Rô-ma muốn
cưới An-nê làm vợ (lúc đó mới 12 tuổi), thì cô đã tuyên bố rằng, cô không bao
giờ lập gia đình với anh ta, bởi cô đã khấn giữ mình đồng trinh vì Chúa Ki-tô.
Tức giận trước sự từ khước của An-nê, người con trai của viên thị trưởng đã lôi
cô ra trước tòa án. Tại đây, viên chánh án đã sử dụng mọi nghiệp vụ của mình, từ
dụ dỗ ngon ngọt tới đe loi để thuyết phục cô. Nhưng tất cả mọi lời đe dọa cũng
như những lời ngon ngọt của vị quan tòa đều không thể khuất phục được An-nê, và
cũng không thể khiến cho cô phản bội lại với lời mà cô đã khấn hứa.
Vì
luật pháp Rô-ma cấm hành quyết các trinh nữ, nên vị quan tòa đã ra lệnh lột sạch
quần áo của An-nê ra, và ra lệnh cưỡng hiếp cô. Bộ sách Legenda aurea (tức Hạnh
Tích vàng) thuật lại rằng, sau khi An-nê bị lột sạch quần áo thì một phép lạ đã
xảy ra: mái tóc trên đầu cô bỗng chốc mọc dài xuống và phủ hết toàn bộ cơ thể của
cô, và toàn bộ khu vực chung quanh nơi cô đứng đều được phủ đầy với sáng trắng.
Dù phép lạ diễn ra tỏ tường như thế, nhưng người con trai của vị thị trưởng vẫn
cố cướp cho được trinh tiết của cô. Và khi đang cố gắng để thực hiện hành vi đồi
bại, thì người thanh niên này liền bị tấn công bất ngờ bởi một tên quỷ, và tức
khắc năn ra chết.
Tuy
nhiên, nhờ lời cầu nguyện của mình, An-nê đã làm cho người thanh niên nói trên
được sống lại. Nhưng dầu vậy, người ta đã không tin vào phép lạ. Trái lại, người
ta còn quy kết cho An-nê tội hành nghề phù thủy, và quyết định xử tử cô với án
thiêu sinh. Khi người ta chuẩn bị xong giàn hỏa thiêu và đưa An-nê lên đó để
trói cô vào cọc rồi châm lửa, thì thay vì thiêu đốt cô, ngọn lửa lại tìm cách
tránh xa cô.
Chứng
kiến cảnh ngọn lửa không dám bén mảng đến gần cô, không phải chỉ những kẻ muốn
thiêu sống cô phải hoảng loạn, nhưng chính bản thân An-nê cũng cảm thấy buồn vì
nghĩ rằng mình không xứng đáng lãnh nhận ngành lá Tử Đạo. Trước lời cầu nguyện
âm thầm nhưng cháy bỏng của cô, trời cao cũng mủi lòng. Và thế là An-nê đã được
phúc Tử Đạo dưới thanh kiếm của một tên lý hình người Rô-ma. Tên lính này đã
dùng kiếm để kết liễu cuộc đời cô giống như người ta sát tế một con chiên. Vì
thế, trong truyền thống và trong hội họa, Thánh An-nê luôn xuất hiện trong sự
liên kết với một con chiên. Thực ra, như đã nói trên kia, tên gọi theo tiếng La-tin
của Thánh An-nê là Agnetis, và con
chiên trong tiếng này được gọi là Agnus.
Từ
các tác phẩm của Thánh Giáo Phụ Ambrôxiô (+397), người ta biết rằng, Thánh
An-nê đã rất được các tín hữu tôn kính và mến mộ ngay từ thời của vị Giáo phụ
nêu trên. Trong Kinh Nguyện Thánh Thể I, tức Kinh Nguyện của Giáo Hội Rô-ma,
Thánh An-nê được nêu danh cùng với năm vị Thánh Trinh Nữ Tử Đạo khác, tức các
Thánh Phêlixita, Perpetua, Agata, Luxia, và Xêxilia.
Các
Thánh Tích được cho là của thánh An-nê hiện đang được bảo quản và tôn kính tại
Vương Cung Thánh Đường Sant’Agnese fuori le mura (tức Vương Cung Thánh Đường
Thánh An-nê ngoại thành) bên đường Via Nomentana của thành phố Rô-ma. Nhà thờ
nguyên thủy kính Thánh An-nê được xây lên ngay trên lăng mộ của Thánh Costanza.
Nhưng sau đó, công trình này đã bị sụp đổ. Vì thế, từ năm 625 tới năm 630, Đức
Thánh Cha Honorius đã cho phép xây dựng một Vương Cung Thánh Đường nhỏ ngay bên
cạnh công trình nêu trên, và rồi Vương Cung Thánh Đường này cũng được cung hiến
để tôn kính Thánh An-nê. Tại Rô-ma cũng còn có một Thánh Đường khác được dành để
tôn kính Thánh An-nê, đó là Thánh đường Sant’Agnese in Agone tại quảng trường
Piazza Navona. Theo tương truyền, Ngôi Thánh Đường này được kiến thiết ngay tại
chỗ Thánh An-nê được phúc Tử Đạo. Dù vậy, không ai biết chính xác Thánh An-nê
được phúc Tử Đạo vào ngày tháng năm nào.
Trong
Giáo hội Công giáo, Thánh An-nê được kêu cầu với tư cách là Nữ Bổn Mạng của các
trinh nữ, của các cô gái trẻ, của những người được hứa hôn và của những người sống
đời trinh tiết.
Theo
truyền thống, vào ngày Lễ Kính An-nê, đích thân Đức Thánh Cha sẽ làm phép những
con chiên An-nê. Sau đó, bộ lông của những con chiên này sẽ được sử dụng để dệt
ra những chiếc dây Palium. Và vào ngày Đại Lễ Kính hai Thánh Phê-rô và Phao-lô
Tông Đồ, những dây Palium này sẽ được trao cho các Đức Tân Tổng Giám Mục đã được
bổ nhiệm trong năm vừa qua.
Ngay
từ xa xưa, Giáo hội Công giáo đã mừng kính Thánh An-nê vào ngày 21 tháng 01, và
ngày này đã được xác nhận trong Martyrologium des Hieronymus (Danh Mục các
Thánh Tử Đạo của Thánh Giê-rô-ni-mô). Sau cuộc cải tổ Phụng Vụ vào năm 1969,
ngày Lễ Kính Thánh An-nê vẫn được giữ nguyên như trước, và được cử hành với bậc
Lễ nhớ buộc, tức Lễ bậc III.
Các
Giáo hội Chính thống, Anh giáo, Armenia và Lu-ther cũng mừng kính Thánh An-nê
vào ngày 21 tháng 01.
Theo
truyền thống của người Tây phương, kể từ ngày Lễ kính Thánh An-nê, người ta sẽ
không gửi cho nhau những Lời Chúc Mừng Năm Mới nữa.
Lm
Đa-minh Thiệu O.Cist